Nhiệt miệng là tình trạng khá phổ biến, gặp ở nhiều người và thường gây đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng tới việc ăn uống. Bạn đọc tham khảo các cách trị nhiệt miệng tại nhà nhanh chóng, hiệu quả qua bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
1. Nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng là bệnh lý phổ biến có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, mọi đối tượng. Bệnh tuy không gây nguy hiểm tới sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng khá nhiều tới sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân, đặc biệt là trong ăn uống và giao tiếp.
Nhiệt miệng thường kéo dài trong khoảng 1 tuần hoặc hơn. Biểu hiện của bệnh là trong khoang miệng xuất hiện các đốm trắng hoặc vàng, kích thước nhỏ, viền đỏ xung quanh, gây đau rát. Các vết nhiệt hình thành và phát triển trên môi, má, nướu, dưới lưỡi,… Thông thường, các vết nhiệt đều không lây lan và không ăn sâu vào biểu bì nhưng nó có thể gây đau đớn, khó chịu khi ăn uống (đặc biệt là ăn đồ chua, cay nóng).
Nguyên nhân gây nhiệt miệng có thể là do: Suy giảm chức năng gan (tích tụ độc tố, tạo thành vết loét trong miệng), hệ miễn dịch kém (vi sinh vật tấn công cơ thể, tạo nên các vết loét trong khoang miệng), tổn thương miệng (do đánh răng quá mạnh hoặc bị ngã, hình thành các vết loét), thiếu chất dinh dưỡng (thiếu vitamin B9, B12, C, kẽm, sắt,… dễ gây nhiệt miệng).
cách trị nhiệt miệng trong 1 ngày
2. Cách trị nhiệt miệng hiệu quả tại nhà
Thông thường, sau khoảng 1 – 2 tuần, các vết loét do nhiệt miệng sẽ tự khỏi, không để lại sẹo. Trường hợp nhiệt miệng kéo dài gây đau rát, khó chịu thì bạn có thể tham khảo và áp dụng các cách trị lở miệng nhanh nhất tại nhà dưới đây:
2.1. Dùng nước muối
Dùng nước muối tuy không phải là cách trị nhiệt miệng trong 1 ngày đã thấy hiệu quả nhưng lại rất an toàn, dễ thực hiện và không tốn kém. Nước muối có tính sát khuẩn cao, an toàn và lành tính. Súc miệng bằng nước muối hằng ngày sẽ làm giảm đau rát ở vị trí lở miệng, nhanh làm khô vết nhiệt miệng.
Bạn có thể tự pha nước muối súc miệng theo cách sau: Hòa tan khoảng 5g muối tinh với 230ml nước ấm rồi dùng nước này súc miệng khoảng 15 – 30 giây thì nhổ ra. Bạn nên súc miệng để nước muối trôi sâu vào cổ họng nhưng không được nuốt. Thực hiện 2 – 3 lần/ngày sẽ sớm thấy hiệu quả. Nếu không muốn tự pha, bạn có thể mua nước muối súc miệng đóng chai tại các hiệu thuốc.
2.2. Dùng mật ong
Mật ong có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, chống nhiễm trùng thứ cấp, giúp các vết nhiệt miệng không bị sưng đỏ và bỏng rát. Có nhiều phương pháp trị nhiệt miệng bằng mật ong mà bạn có thể tự áp dụng ngay tại nhà.
Cụ thể, bạn có thể bôi trực tiếp mật ong lên vết lở miệng với tần suất 4 lần/ngày. Hoặc bạn pha trà nóng, thêm vào chút mật ong để uống hằng ngày, chú ý uống từ từ để dung dịch thẩm thấu vào vết nhiệt. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng mật ong kết hợp với bột nghệ, hòa thành hỗn hợp, đắp lên vết nhiệt miệng với tần suất 2 – 3 lần/ngày.
2.3. Dùng sữa chua
Theo các nghiên cứu, sữa chua có men vi sinh sống lactobacillus, giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường tiêu hóa. Đôi khi tình trạng nhiệt miệng xuất hiện do vi khuẩn HP hoặc bệnh viêm ruột. Vì vậy, bạn có thể ăn sữa chua mỗi ngày sau bữa ăn để cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp chữa khỏi lở miệng và bảo vệ dạ dày.
2.4. Dùng baking soda
Một trong những cách trị nhiệt miệng nhanh khỏi và an toàn là súc miệng bằng baking soda. Đây là loại muối nở giúp cân bằng độ pH trong khoang miệng, giúp giảm viêm để vết lở miệng nhanh lành.
Cách pha nước súc miệng baking soda: Hòa tan 5g baking soda với 230ml. Sau đó, bạn súc miệng với dung dịch trên trong khoảng 15 – 30 giây rồi nhổ ra. Một ngày thực hiện súc miệng khoảng 2 – 3 lần cho tới khi hết nhiệt miệng.
2.5. Dùng dầu dừa
Dầu dừa có đặc tính kháng khuẩn tốt do chứa acid lauric tự nhiên. Với các vết lở miệng, bạn nên dùng dừa sớm để giảm đau, giảm sưng và rút ngắn thời gian lành vết thương. Để điều trị, bạn lấy 1 lượng dầu dừa nguyên chất vừa đủ, bôi lên vết nhiệt miệng vài lần mỗi ngày. Lưu ý, cần hạn chế nuốt nước bọt sau khi bôi dầu dừa để nó có tác dụng bao phủ lên vị trí nhiệt miệng.
2.6. Dùng trà hoa cúc
Trà hoa cúc có mùi thơm dễ chịu, vị ngon tự nhiên, giúp thư giãn và có tác dụng giảm đau, làm lành vết thương rất tốt. Trong loại trà này có chứa levomenol và azulene – 2 chất có khả năng sát trùng và chống viêm hiệu quả. Để trị nhiệt miệng, bạn dùng túi trà hoa cúc đắp lên vị trí bị lở miệng trong vòng vài phút. Ngoài ra, bạn cũng có thể pha trà hoa cúc với nước ấm, dùng súc miệng 3 – 4 lần/ngày cho tới khi khỏi nhiệt miệng.
2.7. Dùng bã chè khô
Chất tanin có trong lá chè có tác dụng trị nhiệt miệng nhanh chóng, hiệu quả. Mỗi lần uống trà, bạn nên giữ lại túi lọc chè để đắp trực tiếp lên vết loét trong miệng. Đây là cách trị nhiệt miệng có hiệu quả cao, giúp giảm đau, giảm sưng tấy và chống viêm hiệu quả.
2.8. Dùng nước súc miệng chuyên dụng
Bạn có thể dùng nước súc miệng nha khoa để kiểm soát và giảm nhẹ tình trạng viêm, nhiễm trùng trong miệng (các vết nhiệt miệng). Các loại nước súc miệng chuyên dụng giúp thúc đẩy quá trình làm lành vết thương và ngăn ngừa nhiệt miệng tái phát.
Bạn dùng nước súc miệng theo đúng hướng dẫn, súc miệng 2 – 3 lần/ngày cho tới khi kiểm soát được tình trạng nhiệt miệng. Bạn chú ý không nên dùng nước súc miệng trị lở miệng kéo dài mà cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ (để tránh tác dụng phụ).
2.9. Bổ sung thêm vitamin cho cơ thể
Để tăng cường sức đề kháng của cơ thể và đẩy lùi các loại vi khuẩn gây viêm loét miệng, bạn cần có một chế độ ăn uống hợp lý và khoa học bằng cách bổ sung thêm thực phẩm giàu vitamin vào thực đơn của mình. Các loại vitamin tốt cho cơ thể gồm: Vitamin B (có trong trứng cá, sữa đậu nành, sữa gạo,…), acid folic (có trong rau chân vịt, cải xanh, măng tây,…), sắt (có trong hàu, ngũ cốc, trứng, gan gà,…), nước dừa (làm dịu vết loét),…
3. Một số bài thuốc trị nhiệt miệng tại nhà theo đông y
3.1 Dùng thuốc ngậm
Các bài thuốc ngậm trị nhiệt miệng gồm:
Lá xuyên tâm liên đem sắc đặc, vừa súc miệng vừa ngậm, thực hiện 3 – 4 lần/ngày;
Chuẩn bị 20g hoàng liên, sắc kỹ với 100ml, dùng ngậm 3 – 4 lần/ngày;
Chuẩn bị 50g mật ong + 15g đại thanh diệp, đem sắc kỹ, lấy nước ngậm nhiều lần trong ngày.
cách trị nhiệt miệng trong 1 ngày
Bạn có thể dùng nước súc miệng nha khoa để kiểm soát và giảm nhẹ tình trạng viêm
3.2 Bài thuốc uống trị nhiệt miệng
Trường hợp niêm mạc miệng có các nốt loét gây đau đớn, lợi sưng đỏ, ăn uống đau, người nóng, trằn trọc khó ngủ, nước tiểu đỏ, hay bị đau đầu, khô họng, táo bón,… thì bệnh nhân có thể áp dụng các cách trị nhiệt miệng sau:
Bài thuốc 1: 30g thạch cao, 20g huyền sâm, 20g sinh kỳ, 15g sinh địa, 15 ngưu tất, 10g tri mẫu, sắc uống 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều;
Bài thuốc 2: 12g ngân hoa, 12g liên kiều, 10g tri mẫu, 10g hoàng bá, 12g sinh địa, 10g huyền sâm, 16g lá tía tô, 16g bạch mao căn, 16g mạch môn, 12g sa sâm, 12g ngưu tất, 12g mẫu lệ, 16g lá tre, 16g cát căn, 20g cỏ mực, 10g trần bì. Đem các vị thuốc sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần/ngày, mỗi đợt điều trị 5 – 7 ngày;
Bài thuốc 3: 12g hoàng cầm, 12g chi tử, 12g liên kiều, 12g đương quy, 12g thục địa, 20g rau má, 16g mướp đắng, 16g tang diệp, 20g cỏ mực, 20g đinh lăng, 20g bồ công anh, 20g sài đất, 16g cam thảo đất. Đem các vị thuốc sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần/ngày.
Trường hợp nặng, người bệnh khó ăn uống, khó ngủ, cơ thể yếu mệt, toát mồ hôi nhiều, thiếu tập trung, tim hồi hộp, táo bón, nước tiểu đỏ,… thì có thể dùng 1 trong 2 bài thuốc sau:
Bài thuốc 1: 12g hoàng liên, 12g hoàng cầm, 12g cát căn, 10g dạ cẩm thảo. Đem các vị thuốc sắc uống ngày 1 thang, chia uống 2 lần/ngày;
Bài thuốc 2: 12g ngân hoa, 12g liên kiều, 20g rau má, 20g cỏ mực, 20g lá vông, 12g tri mẫu, 16g sa sâm, 20g mạch môn, 12g sinh địa, 20g cam thảo đất, 12g mơ muối, 16g lá tre, 20g tang diệp, 16g đương quy, 16g mẫu lệ. Đem các vị thuốc sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần/ngày, mỗi đợt điều trị 5 – 7 ngày;
3.3 Món ăn hỗ trợ điều trị lở miệng
Người bị nhiệt miệng cũng có thể sử dụng các món ăn giúp thanh nhiệt như:
Canh rau cần – óc lợn: Chuẩn bị 1 cái óc lợn, 10 quả táo tàu, 100g rau cần, gia vị vừa đủ. Sau đó, bạn đem óc lợn và táo tàu nấu trước cho chín mềm rồi cho rau cần đã rửa sạch thái ngắn vào, đun thêm 1 lát, nêm thêm gia vị, dùng ăn trong bữa cơm;
Chè bí đỏ đậu xanh: Chuẩn bị 150g bí đỏ, 100g đậu xanh, đường trắng với lượng vừa đủ. Bí đỏ bạn đem gọt vỏ, thái miếng to; đậu xanh đem vo sạch rồi cho cùng bí đỏ vào nồi, nấu tới khi chín mềm thì thêm đường, múc ra bát, ăn nguội.
4. Biện pháp phòng ngừa nhiệt miệng
Phòng ngừa cẩn thận sẽ giúp bạn không cần phải “cầu viện” tới các cách trị nhiệt miệng khi gặp tình trạng này. Sau đây là một số biện pháp giúp bạn kiểm soát được những yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiệt miệng:
Giảm tổn thương răng miệng bằng cách sử dụng loại bàn chải đánh răng có lông chải mềm, ăn chậm nhai kỹ với các loại thực phẩm không quá cứng để giảm nguy cơ cắn vào lưỡi, bên trong má;
Bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể, đặc biệt là vitamin B, kẽm và sắt;
Hạn chế ăn những thực phẩm gây nóng trong như rượu, bia, đồ ăn cay nóng, các loại quả có tính nóng,…;
Giảm căng thẳng, mệt mỏi, tránh ngủ muộn, thức khuya bằng các bài tập yoga, thiền, thái cực quyền hoặc tập hít thở sâu,…;
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng việc đánh răng (có thể đánh răng với muối tinh) và sử dụng nước súc miệng;
Tập thể dục đều đặn để cải thiện sức khỏe, cơ bắp, khả năng cân bằng, sức đề kháng,… của cơ thể.
Hầu hết tình trạng nhiệt miệng sẽ tự khỏi mà không gây ra biến chứng. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng các cách trị nhiệt miệng kể trên để rút ngắn thời gian tự lành các vết lở miệng. Bạn cũng nên lưu ý nếu các vết loét trong miệng ngày càng lớn và lan rộng, xuất hiện thêm nhiều vết loét, bị đau buốt nghiêm trọng, kèm sốt, phát ban, đau đầu,… thì nên đi thăm khám để được điều trị kịp thời.